Tuần này chúng ta học về cuộc đời ông Gióp được chép trong sách Gióp. Ông là một người giàu có và công bình. Đức tin ông bị thử thách lúc ông mất tất cả mọi thứ. Một số điểm chính chúng ta sẽ học là:

  • Chúng ta nên ngợi khen Chúa khi vui cũng như khi buồn.
  • Chúng ta hãy cẩn thận để chọn nên nghe lời khuyên của ai. Vợ và bạn của Gióp đã cho ông những lời khuyên xấu.
  • Chúa luôn luôn ở cùng chúng ta, ngay cả trong một ngày rất tệ hại.
  • Chúng ta nên yêu Chúa không phải vì những gì Ngài ban cho chúng ta, nhưng vì bản chất của Ngài.
  • Chúa Giê-xu vui lòng từ bỏ mọi sự Ngài có để cứu chúng ta (Phi-líp 2:6-11).

Hướng dẫn bài học: Gióp

Kể cho bé nghe về Gióp, và giải thích rằng ông là một người công bình, nghĩa là đời sống của ông làm vui lòng Chúa. Nói với bé về những điều chúng ta có thể làm để Chúa vui lòng.

Kể rằng Chúa đã ban phước cho Gióp về mặt của cải vật chất. Bạn có thể nêu ra những phước hạnh mà Gióp có (lạc đà, bò, lừa …). Hỏi bé rằng, Chúa đã ban phước hạnh gì cho bé. Bạn có thể liệt kê ra những phước hạnh đó hoặc vẽ chúng. Nhắc bé rằng tất cả những điều tốt, phước hạnh, mà chúng ta có được, đều đến từ Chúa. Chúng ta nên luôn luôn ngợi khen và cảm tạ Chúa về những phước lành Chúa ban.

Nếu bạn muốn, bạn có thể làm một cây tạ ơn. Chọn một cành cây có nhiều nhánh, để nhìn giống một cái cây nhỏ. Đặt nó trong một cái chậu và bỏ đá cuội vào chung quanh để cây đứng vững. Mỗi ngày, viết một điều mà bạn muốn tạ ơn Chúa rồi treo lên cây. Nếu có khách đến thăm, bạn có thể nhờ họ ghi ra những ơn lành Chúa ban, rồi treo lên cây. Bạn có thể làm một cuốn nhật ký về những điều bạn muốn tạ ơn, viết hoặc vẽ, hoặc cắt vài hình tượng trưng ra, từ các trang báo về những ơn lành Chúa đã ban cho bạn.

Hãy nghĩ về những phước hạnh mà bé muốn có. Điều này đặc biệt ý nghĩa khi mùa Giáng sinh về. Nói với bé rằng, đôi khi chúng ta nghĩ: “Ồ, nếu mình có thứ này, thì mình sẽ rất vui,” ví dụ như một món đồ chơi mới. Nhắc với bé về món đồ chơi hay vật nào đó bé đã từng rất thích. Hỏi bé rằng, bé vui với món đồ đó được bao lâu, thì bé bắt đầu muốn món khác. Nhắc bé về những lúc bé năn nỉ, nài xin và hứa sẽ yêu bạn suốt đời nếu bạn cho bé món đồ chơi nào đó. Hãy nhớ lại thái độ đó kéo dài được bao lâu. Bạn cũng có thể dùng ví dụ về một cái bánh ngọt. Chúng ta thích thú khi ăn nó, nhưng chúng ta sẽ luôn bị cám dỗ để cứ muốn ăn và ăn tiếp. Giải thích rằng, chúng ta nên yêu Chúa không dựa trên những vật chất Chúa ban cho chúng ta, vì của cải vật chất có thể bị hỏng hoặc không còn nữa, nhưng Chúa thì còn mãi. Thật là diệu kỳ khi Chúa ban tặng sự sống đời đời cho những ai tin Ngài.

Giải thích cho bé hiểu về lời khuyên, là khi ai đó nói với bé rằng, bé nên làm thế này, thế kia. Có những lời khuyên tốt và cũng có lời khuyên xấu. Nếu bé đủ lớn, bạn có thể chơi trò chơi này để giải thích cho bé. Đặt một vài đồ ăn trên bàn, nên dùng nhiều thứ khác nhau, ví dụ như một ít muối, một lát chanh, kẹo mà bé thích, mật ong,… nên có một vài đồ ăn mà bé ít biết đến. Bạn có thể đi siêu thị và chọn vài đồ ăn mà bạn chưa từng thử. (Chọn những thứ an toàn để không làm bé bị mắc nghẹn hoặc gây dị ứng). Hãy để bé nếm thử những món ăn này, và cho bạn lời khuyên về những món đó, món nào ngon hay dở. Bạn cũng có thể nếm thử và cho bé lời khuyên. Bạn và bé có thể có những ý kiến khác nhau, hay người khác cũng có thể nói dối rằng, điều gì đó là tốt, mà sự thật thì không phải như vậy. Hãy suy nghĩ chúng ta nên nghe lời khuyên từ những người nào, và không nên nghe lời khuyên từ người nào. Giải thích với bé rằng tất cả những lời khuyên phải phù hợp với Kinh Thánh.

Chúa luôn luôn ở cùng chúng ta. Nhắc lại lúc nào đó bạn hay bé có thể cảm thấy cô đơn, không có ai bên cạnh. Ngay cả những lúc chúng ta buồn và cô đơn, thì Chúa vẫn ở bên cạnh. Chọn hai thanh nam châm hút vào nhau. Lấy một miếng giấy, đặt vào giữa hai nam châm. Đưa cho bé xem một bên nam châm, thoạt nhìn thì giống như ảo thuật, miếng giấy đứng yên, không bị rơi. Chỉ cho bé thấy mặt sau có nam châm kia để giữ giấy lại. Giải thích với bé rằng, cho dù khi chúng ta không cảm thấy Chúa ở gần, Ngài vẫn luôn ở cạnh bên.

Nhân tiện chúng ta đang nói về những thứ chúng ta có, hãy kể ra những điều Chúa Giê-xu đã từ bỏ. Đọc Phi-líp 2:6-11. Nói về Chúa Giê-xu đã từ bỏ mọi sự để đến thế gian, và chết cho tội lỗi của mọi người. Cầu nguyện và cảm ơn Đức Chúa Trời, vì Chúa Giê-xu đến thế gian này. Hãy nhớ và tạ ơn, ngợi khen Chúa về mỗi phước hạnh Chúa ban cho bạn.  

Kể chuyện – Gióp

Trò chơi và hoạt động

Toán đơn giản

Dùng bất kỳ đồ vật nào bạn có sẵn xung quanh: Đồ chơi, trái cây, kẹo, bút chì màu, tất cả đều dùng rất tốt.

Cho bé đếm các đồ vật. Sau đó, bạn có thể thêm vào hoặc lấy bớt ra một số.

Bảo bé đếm chúng lại.

Hỏi bé xem bây giờ còn nhiều hơn hay ít hơn. Bạn có thể điều chỉnh hoạt động này tùy khả năng của bé.

Làm khuôn mặt

Ý chính của hoạt động này là để giúp bé hiểu biểu cảm và cảm xúc.

Nói lên một cảm xúc và bảo bé biểu cảm khuôn mặt đó. Một khuôn mặt vui mừng, một khuôn mặt buồn bã, một khuôn mặt giận dữ và …

Nếu có 2 bé trở lên, bạn có thể biến nó thành cuộc thi. “Ai có thể tạo ra khuôn mặt vui nhất.” Nhắc bé rằng Gióp là một người thật, có cảm xúc thật.

Hướng Dẫn bịt mắt

Cho một bé hoặc người lớn bịt mắt. Nhờ một người khác chỉ đường cho họ đi đến một nơi khác. Có thể đi đến một cái chuông để rung hoặc một cái nồi để đập.

Chúng ta phải tin tưởng người hướng dẫn chúng ta.

Gióp tin cậy Chúa ngay cả khi ông không thể hiểu những gì đang xảy ra xung quanh.

Bài Tập

Trang tô màu

Thủ công – Chúa thật tốt lành

Vật liệu:

  • Giấy bìa trắng
  • Trang mẫu
  • Bút, bút chì, hoặc sáp màu
  • Mắt nhựa tùy chọn
  • Kéo
  • Băng keo
  • Len

Tải xuống miễn phí

Pin It on Pinterest

Share This